Nói không với sự lộn xộn - Bạn luôn cằn nhằn mỗi khi lau dọn nhà cửa? Đó có thể là vì bạn chưa biết những bí quyết này.
Vừa giải quyết hàng "núi" việc công ở cơ quan nhưng khi về nhà, dường như một "núi" việc nhà lại vẫy chào bạn. Cả đống đồ đạc ngổn ngang, bừa bãi không hiểu từ đâu... mọc ra làm bạn như phát điên.
Tuy nhiên, bạn nên thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc gì cũng có nguyên do của nó, kể cả một ngôi nhà lộn xộn, không hẳn tất cả tội lỗi đều thuộc về bọn trẻ. Hãy dành thời gian cùng Vzone điểm qua 5 bí quyết để nói "không" với sự bừa bộn trong nhà:
1. Luôn và ngay
Bất kể khi nào và bạn có mệt hay không, ngay sau khi làm xong cái gì, hãy đem nó trở về nơi mà bạn đã lấy ra. Đó là ý nghĩa của nguyên tắc này. Như vậy, muốn giữ cho nhà cửa gọn gàng, đầu tiên bản thân bạn phải là người ngăn nắp. Đọc xong tờ báo, hãy cất nó lên giá, đừng vứt lên mặt bàn hay ghế sofa, bởi rất có thể đến cuối tuần chính bạn lại nổi cáu vì đống tạp chí rơi vãi trong phòng khách.
2. Để dụng cụ dọn nhà ở nơi nhìn thấy được
Đừng để mình rơi vào tình trạng luôn luôn phải đi tìm kiếm. Thử hình dung khi đang định cọ phòng tắm mà không thể tìm được lọ nước tẩy rửa ở đâu sẽ làm bạn khó chịu như thế nào? Vì thế, các chuyên gia khuyên bạn nên tập hợp tất cả những dụng cụ dọn nhà cùng loại vào nơi bạn có thể nhìn thấy được (ví dụ rổ, khay treo trên tường). Ngoài ra, bạn nên chọn mua các loại nước tẩy rửa đa năng có thể dùng với nhiều mục đích, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tiết kiệm không gian.
3. Mọi thứ phải ở đúng nơi đúng chốn
Hãy thử nhớ lại ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ nhất của một người bạn mà bạn từng đến chơi, rồi trả lời các câu hỏi sau:
- Có phải tất cả các đĩa DVD đều nằm trong giỏ ?
- Cặp sách và quần áo của tụi trẻ đều được treo trên giá?
- Sách báo luôn được xếp lại thành chồng đặt ngay ngắn trên mặt bàn?
Nếu những câu trả lời đều là "có" thì bạn đã hiểu được phần nào nguyên tắc thứ 3. Nguyên tắc này khuyên bạn phải tìm nơi cất trữ cho tất cả đồ đạc trong nhà (tất cả, không chừa bất kỳ vật nào). Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy đầu tư cho hệ thống tủ, kệ, giỏ và các hộp đựng đồ. Đối với giỏ và hộp, bạn có thể tìm cách dán hoặc đính nhãn để ghi tên các vật đựng bên trong.
4. Lôi cả nhà vào "cuộc"
Bạn không thể làm tất cả 1 mình, vì thế hãy vận động mọi người cùng dọn nhà với bạn. Rèn luyện cho ông xã và tụi trẻ thói quen ngăn nắp không phải dễ, do đó một chuyên gia đã chia sẻ với ta kinh nghiệm của chính cô như sau:
"Vào sáng sớm thứ 7, tôi khua tụi trẻ và ông xã dậy bằng cách bật những bản nhạc sôi động và hẹn giờ cho đài tắt sau 1 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, mọi người sẽ cùng làm việc nhà và kết thúc khi hết nhạc. Tụi trẻ sẽ dọn dẹp phòng của chúng, tôi lau sàn, giặt quần áo còn anh ấy thì dọn vườn. Mọi người đều rất hứng khởi khi biết rằng chỉ phải làm thật nhanh trong 1 giờ này thôi, và phần còn lại của cuối tuần sẽ được tự do. Vì thế mà việc nhà được hoàn thành rất nhẹ nhàng."
Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn không thể làm tất cả mọi việc trong 1 ngày. Do đó, hãy chia nhỏ các phần công việc ra cho nhiều ngày. Thứ 7 này cả nhà có thể dọn phòng ngủ, thứ 7 sau sẽ là trang trí lại phòng bếp...
5. Bỏ ngay đi những đồ đạc không dùng đến
Đừng làm ngôi nhà "ngập ngụa" trong đồ đạc. Hãy chuẩn bị cho gia đình mình 2 giỏ đồ: một là giỏ đựng các thứ đem cho, giỏ kia sẽ dành cho những đồ đem bán phế liệu. Giải pháp này giúp bạn kiểm soát được sự ngăn nắp trong nhà, tránh tình trạng nhìn vật gì cũng tiếc rẻ, rồi ngôi nhà ngày một phình ra vì đồ đạc cũ.
Ice-T