10 điều lưu ý khi tân trang phòng cho bé- Khi cân nhắc để tân trang, hãy làm thế nào để phòng ngủ trở thành một không gian sáng tạo và thể hiện được nét cá tính của bé.
Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn làm mới phòng ngủ của bé, tạo cho bé một không gian vừa học vừa chơi và có thể trưng bày những vật dụng yêu thích của mình.
1. Cùng bé lập kế hoạch
Hãy bắt đầu mọi thứ từ đầu một cách nghiêm túc. Con bạn đang ngày càng trưởng thành và chúng muốn một không gian riêng phù hợp với sở thích. Bọn trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và làm mọi việc hiệu quả hơn khi được ở trong một không gian mà chúng cảm thấy được mình là ai. Bạn hãy thử hỏi xem bọn trẻ mong muốn sử dụng phòng mình thế nào, màu sắc và phông nền ra sao khi lập kế hoạch tân trang.
2. Màu sắc cho thế giới của trẻ
Sơn là cách dễ nhất, rẻ nhất để thay đổi căn phòng của bọn trẻ. Bạn có thể sơn những bức tường cũng như đồ vật, tạo nên những không gian sắc màu đáng yêu. Đương nhiên, gam màu của bé cũng sẽ khác với người lớn, tươi sáng và vui nhộn hơn. Bạn có thể bàn với chúng xem chúng thích hợp với màu nào và nên trang trí các mảng màu ra sao. Bạn có thể gợi ý cho chúng những màu sắc tích cực khiến chúng cảm thấy hưng phấn và học hành, vui chơi hiệu quả, thoải mái hơn.
Ảnh: Sheknows
3. Lớp học trong nhà
Bạn có thể cân nhắc sử dụng bảng gỗ sơn đen để tạo một khoảng tường thú vị và đa chức năng – nơi mà bọn trẻ có thể viết lên những suy nghĩ, vẽ hay làm các phép toán (đây cũng là một ý tưởng hay cho những đứa trẻ thích vẽ lên tường).
4. Thay đổi hoặc thêm phụ kiện
Đối hoặc thêm các phụ kiện như một chiếc thảm, gối, tranh tường hay chăn phủ hoặc ga trải giường. Một cách tinh tế và hiệu quả nữa là hãy xem xét đến việc lựa chọn các núm kéo cửa hay ngăn bàn – chúng có thể biến căn phòng trở nên sinh động hơn.
Ảnh: Sheknows
5. Sử dụng không gian chiều thẳng đứng
Bạn nên thêm một số giá đỡ phía trên cao. Đây là một nơi tuyệt vời để bày biện các giải thưởng, danh hiệu, đồ chơi, đồ sưu tầm hay các con thú nhồi bông. Cách bày trí này cũng khiến căn nhà rộng rãi hơn, lũ trẻ sẽ ít có "cơ hội" bừa bộn với rất nhiều đồ nhỏ nhặt của chúng.
6. Sử dụng vật dụng giảm âm
Có thể dùng gạch ốp, thanh cuộn có sẵn hoặc tấm dán giảm âm trên tường trong căn phòng của bé. Nhờ thế, cho dù bé của bạn rất yêu âm nhạc hoặc có thói quen gõ lên đồ vật của mình, những vật này sẽ không làm hư hại gì đến các bức tường và không gây ồn ào với những người xung quanh.
7. Sử dụng những chiếc móc
Dùng những chiếc móc (không sắc nhọn, không quá cứng) trong phòng để giúp trẻ treo những vật dụng có thể treo lên đó, kẻo chúng sẽ vứt mọi thứ bừa bộn ra sàn nhà hoặc lên giường ngủ.
8. Góc riêng tư
Tạo một góc lưu giữ hay một khoảng không gian yên tĩnh trong phòng con bạn cũng là ý hay. Bạn có thể để thêm một kệ sách học tập nhiều màu sắc hay tạo một không gian cất giữ thường xuyên, bé có thể lưu lại những thứ mình yêu thích ở khoảng không gian riêng tư đó.
9. Thiết kế không gian cá tính
Từ lúc bé tới lớn, lũ trẻ luôn có rất nhiều những món đồ hay quà tặng khác nhau. Việc cất giữ đối với bé hay bố mẹ đều tạo nên nhiều điều thú vị. Cất giữ theo một cách sáng tạo sẽ giúp phòng ngủ của bé trở nên độc đáo, bạn có thể cân nhắc để tạo nên không gian này theo sở trường, cá tính của bé. Ví như với những bé yêu thể thao, có thể thiết kế một hộp đựng đồ chơi hình quả bóng hoặc phong cách sân cỏ. Những chiếc giỏ, chiếc hộp có ghi các hạng mục đồ vật cụ thể cũng khiến căn phòng bừa bộn trở nên trật tự và hoàn toàn mới.
10. Khuyến khích trẻ tham gia
Dù bạn làm gì với phòng ngủ của con, thì hãy hỏi ý kiến chúng khi lên kế hoạch và sau đó khuyến khích chúng tham gia thực hiện các công việc để chúng cảm nhận được đây đúng là không gian của riêng mình.
Bài: An Nhi (theo Sheknows)