Lẩn khuất trong sự ồn ào của một Sài Gòn náo nhiệt, toạ lạc trên tầng một của căn nhà ở đường Điện Biên Phủ, Himiko càphê được biết đến là một trong những không gian nghệ thuật phá cách đầu tiên tại Sài Gòn.
Đó là nơi mà chủ nhân của nó – Himiko. Nguyễn – xây dựng, với mong muốn tạo dựng một sân chơi để những người làm nghệ thuật thoả sức thể hiện cá tính, xúc cảm, ngôn ngữ… của mình thông qua những tác phẩm của họ.
Nói theo chủ nhân: “Himiko cũng là nơi mà người ta có thể cảm nhận nghệ thuật không phải là một thứ gì đó quá to lớn, không phải của những đầu óc khùng điên, không phải của những chuyện… trên trời, mà nghệ thuật ở Himiko là những gì rất gần gũi, đời thường, thiết thực với đời sống”.
Người ta biết đến một Himiko là không gian nghệ thuật phá cách, bắt đầu ở Huỳnh Tịnh Của, sau đó đến Phan Đăng Lưu, và bây giờ là Điện Biên Phủ, vậy sự phá cách ấy thể hiện ở điểm gì?
Có thể gọi Himiko là một sân chơi, là một điểm đến của những người làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật, nơi nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm của họ, nhưng tôi không muốn biến nó thành một gallery chuyên nghiệp. Đó là sự phá cách. Tại sao? Bởi vì khi xác định là một gallery, đó là một cuộc làm ăn, đồng nghĩa với sự tính toán, là nơi treo tranh để bán kiếm tiền. Himiko không chạy theo lối đó. Không gian này chỉ là một cuộc chơi ngẫu hứng với những cuộc trưng bày không kế hoạch, không lịch trình, không chủ đề của những nghệ sĩ muốn biểu đạt với người xem bằng ngôn ngữ là tác phẩm của họ, chứ không phải là nơi chuyên kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật.
Người nghệ sĩ khi tìm một không gian thể hiện tác phẩm của họ, chắc hẳn sẽ có sự kén chọn, vậy ở Himiko, tiêu chí của chị khi lựa chọn tác phẩm và sự đáp ứng những kén chọn của nghệ sĩ đến mức nào?
Là chủ nhân của Himiko, nhưng tôi không đặt vào mình vai trò giám tuyển những tác phẩm của nghệ sĩ, mà chính họ sẽ là người chịu trách nhiệm. Himiko chỉ là cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và tác giả. Tôi tạo ra không gian, và tôn trọng những sự sắp đặt các tác phẩm của tác giả trong không gian ấy, nhưng với những ai khắt khe, cầu toàn, chẳng hạn như đòi hỏi ánh sáng hoàn hảo, phông nền theo ý muốn cho phù hợp với tác phẩm của họ… thì Himiko không thích hợp với những đòi hỏi ấy. Ở Himiko, đó là sự thích nghi với những gì hiện hữu.
Himiko là một không gian tận dụng, khi không có nhiều tiền, thì sẽ không có sự lựa chọn mà phải thích nghi với những gì mình đang có. Tôi tận dụng lại những bộ bàn ghế làm từ baghết đã qua sử dụng ở không gian Himiko đầu tiên trên đường Huỳnh Tịnh Của. Đến những các bộ salon thùng mang phong cách thuộc địa trang trí trong không gian Himiko bây giờ là kết quả săn lùng từ những tiệm đồ cũ, đồ ve chai. Các mảng tường cũ muốn sơn mới sẽ rất tốn kém, tôi tận dụng các vỏ bao thuốc lá nhặt ngoài đường dán lại làm phần nền, vừa che khuyết điểm nhưng lại tôn lên vẻ đẹp của các bức tranh treo… Tôi không khắt khe với những chuẩn mực khi xây dựng một không gian nghệ thuật, cũng không cực đoan để bắt người khác phải chiều theo sở thích của mình, những gì thể hiện ở Himiko là sự biến tấu có thể chấp nhận được trong khả năng của tôi. Đó cũng là một cách tôi trải nghiệm với đời sống.
Tận dụng những vật dụng tưởng rằng bỏ đi được chị áp dụng vào trang trí nội thất cho Himiko, đó có phải là một sự phá cách như tiêu chí mà chị muốn xây dựng?
Theo quan niệm của tôi, những đồ vật dù là bỏ đi nhưng nếu biết đưa vào đúng vị trí, trả lại giá trị thực của hiện vật thì sẽ càng làm đẹp thêm không gian chứa đựng nó. Chẳng hạn, khoảng ngăn cách giữa hành lang và căn phòng ở Himiko, tôi làm một mảng trang trí những cánh hạc xếp từ giấy bạc của bao thuốc lá, một kiểu mỹ thuật ứng dụng trang trí nội thất từ rác. Giấy bạc là một vật liệu bắt sáng tốt, những cánh hạc tạo thành một điểm nhấn đẹp cho hành lang. Nhiều người đang muốn biến nghệ thuật thành rác, còn tôi thì ngược lại.
Nhiều người khi đến với Himiko ở Điện Biên Phủ đã luyến tiếc những không gian quen thuộc mà Himiko từng để lại dấu ấn, là người tạo ra Himiko, chị nghĩ gì về điều này?
Khi mới thành lập, Himiko ở Huỳnh Tịnh Của là một không gian trầm uất, lắng đọng, qua đến Phan Đăng Lưu, Himiko là một không gian sáng, tươi mới, và với Himiko hiện hữu ở Điện Biên Phủ, đó lại là sự hoà trộn của một chút trầm lắng, một chút cô đơn, nhưng có những mảng sáng với khoảng xanh từ những dây leo mất đến hai năm chăm chút mới có được. Chắc chắn, sự thay đổi, làm mới một không gian quen thuộc không phải ai cũng thích, nhưng với tôi thì khác, tôi không luyến tiếc hay phải cố giữ những gì mình đã tạo ra mà tôi yêu những giá trị hiện tại, và tập trung hết khả năng của mình để chăm lo cho những giá trị thực tại ấy.
Himiko. Nguyễn (Nguyễn Kim Hoàng)
Sinh năm 1976 tại Mỹ Tho.
Tốt nghiệp khoa điêu khắc trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (2000 – 2005)
11.2005 sáng lập Himiko Visual Café
Tổ chức 31 cuộc triển lãm cá nhân, 12 cuộc hội thảo về đề tài nghệ thuật cho các hoạ sĩ trong và ngoài nước.
Tham gia triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại các quốc gia: Nhật, Hàn Quốc, Đức…