Không gian xanh nhờ Green Smile - Bằng giải pháp Green Smile, người sử dụng tự gieo hạt của loại cây thích hợp, tự chọn cách sắp xếp theo gout thẩm mỹ, phù hợp không gian sống
Đó chính là sản phẩm của nhóm 4 bạn gái trẻ, gồm: Nguyễn Ngọc Quyên, Châu Ngọc Thu Thu, Phạm Thị Hương Giang và Nguyễn Phương Thảo, cùng học lớp chuyên ngành thiết kế nội - ngoại thất của Trường ĐH Kiến trúc TPHCM.
Một mô hình rau xanh được bố trí trong phòng làm việc theo giải pháp Green Smile (ảnh trên) và nhóm tác giả trẻ . Ảnh: NGỌC THU
Đem mô hình nông nghiệp vào đô thị
Nguyễn Ngọc Quyên, trưởng nhóm, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường bùng nổ đang ảnh hưởng xấu đến môi sinh và sức khỏe của con người. Trên thế giới đã có nhiều giải pháp được đưa ra để bảo vệ, cải tạo môi sinh, trong đó có lĩnh vực thiết kế. Cũng từ thực tế này mà nhóm của Quyên thực hiện công trình nguyên cứu “Tính Eco và giải pháp trồng rau sạch trong không gian nội - ngoại thất”, với giải pháp đem mô hình nông nghiệp trồng rau xanh về đô thị.
Quyên lý giải nếu chỉ hiểu đơn thuần trồng rau xanh hay trồng cây trong nhà thôi thì chưa đủ mà còn cần phải có một sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ cho không gian sống và còn những công năng sử dụng khác. Sản phẩm phải đem đến cho con người niềm vui sống; tạo dựng một giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp, hướng đến sự phát triển bền vững cho đô thị. Nhóm các bạn trẻ này đã phải đầu tư nhiều thời gian và công sức sưu tập tài liệu về hiện trạng môi trường; nghiên cứu, tham khảo các giải pháp xanh sạch tiên tiến trên thế giới trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế (kiến trúc, nội thất, tạo dáng, thời trang, đồ họa)... sau đó là tìm hiểu về mô hình sinh thái truyền thống của nước ta và các vật liệu, công nghệ xanh sạch cũng như tìm hiểu về mô hình “nông nghiệp hữu cơ nhỏ” với những kiến thức về trồng rau sạch trong hộ gia đình. Cuối cùng là hình thành ý tưởng, phác thảo kiểu dáng sản phẩm; hoàn thiện về chức năng, kỹ thuật của sản phẩm. Sớm đưa vào đời sống Qua nghiên cứu, nhóm đã đưa ra giải pháp Green Smile có thể đáp ứng được những nhu cầu đã nêu. Đó là một bộ các module với thành phần khung sản phẩm, xơ dừa, đất cocobi, hạt giống... Người sử dụng tự gieo hạt của loại cây thích hợp vào những module và tự lựa chọn các cách sắp xếp theo gout thẩm mỹ, phù hợp với không gian sống của họ. Sản phẩm của nhóm ra đời không những đáp ứng được công năng trồng cây, trồng rau sạch mà còn góp phần trang trí nội - ngoại thất. Những mảng xanh đã tạo được cảm giác mát mẻ, trong lành, ngộ nghĩnh, thú vị trong không gian sống. Đó có thể là một gương mặt đầy cảm xúc, dễ thương được tạo thành từ sự lắp ghép những ô rau; cũng có thể là một bức tranh rau pixel dễ dàng bài trí phù hợp nhiều nơi trong không gian sống... Hương Giang, cô gái út của nhóm, cho biết giải pháp của nhóm đã đưa ra nhiều phương án lắp ghép các module, tạo hình khác nhau, kích thước linh động cho từng diện tích nhà. Đây như là một trò chơi độc đáo, sáng tạo không ngừng vì người sử dụng có thể tự do sắp xếp ngẫu hứng theo ý thích. Đặc biệt sản phẩm mang tính ứng dụng cao, sử dụng được cho nhiều không gian khác nhau, dễ sản xuất và lắp ráp. Chất liệu nhựa tái chế, xơ dừa... thân thiện môi trường, giá thành rẻ, có thể sản xuất hàng loạt. Về hướng phát triển của đề tài, nhóm trưởng Nguyễn Ngọc Quyên cho biết sẽ đưa giải pháp ra khỏi những trang giấy để trở thành sản phẩm cụ thể, sản xuất hàng loạt phục vụ đời sống cộng đồng. TS-KTS Lê Văn Thương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Chấm giải Eureka 2010 lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc-xây dựng cho biết từ trước đến nay, chúng ta đã biết nhiều đến việc trồng rau mầm trong gia đình để làm thực phẩm. Tuy nhiên, đưa rau mầm vào trang trí nội thất để kết hợp vừa trang trí vừa làm thực phẩm có lẽ là lần đầu tiên. Ý tưởng này khá độc đáo và cần nghiên cứu sâu hơn để đưa vào ứng dụng trong thực tế.