Giải mã những bí ẩn phong thủy của kinh đô ánh sáng Paris - Hình thành từ rất sớm, nhanh chóng trở thành kinh đô của nước Pháp rồi sau đó là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của cả châu Âu trong suốt nhiều thế kỷ, cũng chẳng phải ngẫu nhiên người ta gọi Paris bằng mỹ từ “Kinh đô ánh sáng”. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng, sự hưng thịnh ấy có một mối liên hệ sâu xa với sự lựa chọn vị trí và cách thức quy hoạch của kinh đô nước Pháp…
1. Có thể nói, trên thế giới khó có thành phố nào có thể sánh kịp với Paris. Dù cho trí tưởng tượng của bạn phong phú tới mức nào thì một khi bạn đã bước chân vào thành phố này, bạn sẽ bị sức quyến rũ của nó hớp hồn. Còn những người nào từng đến Paris, hẳn sẽ không còn cảm thấy kỳ lạ với cảnh thiên đường nữa, vì rằng những gì thiên đường có thì Paris cũng có.
Từ trước khi quốc gia Pháp được thành lập, đã có Paris cổ đại, đó chẳng phải là điều ngẫu nhiên. Paris vốn là vùng đất đế vương, với dãy núi Apls uốn lượn bao quanh và dòng sông Seine chảy xuyên qua nước Pháp, cũng là xuyên qua Paris, biến nơi đây trở thành trung tâm của các hành trình thương mại đường thủy lẫn đường bộ. Khi Henry IV thiết lập quan hệ hôn nhân với dòng họ Medici thì sức mạnh của Florence đến Paris. Rồi sự hùng mạnh của vua Louis XIV sau đó đã đem đến một sức sống mới cho Paris. Điện Versailles trở thành tượng trưng của đế chế quân chủ Pháp đồng thời cũng trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật của châu Âu.
Cuối cùng là vị Hoàng đế vĩ đại Napoleon, người đã làm chủ cả châu Âu, đồng thời đem về Paris vô số những tác phẩm nghệ thuật tinh túy nhất của châu lục này, biến Paris trở thành thành phố mỹ lệ bậc nhất thế giới. Trong vòng 300 năm qua, dù thế giới có biến đổi thế nào thì người ta vẫn không thể không nhắc tới Paris như một phần trung tâm của thế giới. Paris không chỉ là một thành phố mà với người Pháp nó còn là một biểu tượng.
Kinh đô Paris
Một thành phố muốn phát triển có thể không dựa vào núi nhưng nhất định phải gần nguồn nước. Nước là máu của mạch đất, huyết mạch phải ngày đêm tuôn chảy thì mới đem lại nguồn năng lượng nuôi dưỡng sự phát triển của thành phố. Không có nước, một thành phố khó có thể tồn tại được. Nếu như thành phố có một con sông chảy xuyên qua trung tâm của nó thì thành phố ấy càng là nơi hội tụ linh khí. Đặc biệt là khi con sông này lại bắt nguồn từ một ngọn núi thiêng, nơi bắt nguồn của dòng nước thánh thì thành phố đó càng may mắn hơn. Dòng sông Seine chảy xuyên qua lòng Paris chính là một dòng sông như vậy. Và đương nhiên, thành phố may mắn đó chính là Paris. Hay nói cách khác, sông Seine không chỉ là biểu tượng của Paris mà còn là nguồn gốc của vận đại cát của thành phố hoa lệ này.
Từ thời xưa, Paris hình thành và phát triển cũng bắt đầu từ hai bên bờ dòng sông Seine nổi tiếng này. Khi chảy qua Paris và chảy vào vùng Normandie, các thung lũng sông bắt đầu được mở rộng ra, đó cũng là khi dòng sông Seine gặp sông Marne chảy từ phía đông Paris. Từ xưa, sông Seine đã trở thành con đường giao thông huyết mạch, thuyền bè qua lại suốt năm. Đường giao thông trên sông Seine có thể thông với sông Rhine, sông Rhone,… biến Paris trở thành trung tâm của giao thông đường thủy ở châu Âu. Lượng hàng hóa vận chuyển trên sông Seine luôn đứng đầu cả nước Pháp. Người ta thường nói nước là biểu tượng của tiền tài, nguồn nước vượng thì tài lộc thịnh. Có lẽ chính vì thế Paris mới trở thành trung tâm về kinh tế của cả nước Pháp.
2. Từ phía đông nam của bồn địa, sông Seine chảy theo hướng tây bắc, đến vùng bằng phẳng ở giữa bồn địa Paris, dòng sông chảy chậm lại, uốn lượn thành hình cung lớn xuyên qua trung tâm của Paris. Thành ra, sông Seine vào Paris theo hướng đông nam, sau đó chảy theo hướng tây bắc, rồi chuyển dần theo hướng tây nam và ra khỏi Paris theo hướng này. Chính vì thế, người Paris có một thói quen bất biến từ trước tới nay là gọi bờ phía bắc của sông Seine là hữu ngạn còn bờ nam sông Seine là tả ngạn. Cách gọi này trùng khít với cách định hướng trong phong thủy truyền thống: Đứng tại bờ sông, mặt hướng theo dòng chảy con sông, tay phải gọi là hữu ngạn, tay trái thì gọi là tả ngạn. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét kết cấu phong thủy của Paris thông qua hai khu vực theo cách phân chia này.
Tả ngạn sông Seine là một khu vực hình cánh quạt nằm bên bờ trái con sông. Nó bao gồm khu vực 6 của Paris, nơi tập trung những di tích cổ kính nhất của Paris từ thời sơ khởi. Đó là nơi tập trung những phần tinh hóa văn hóa của Paris hoa lệ, nơi sản sinh và nuôi dưỡng văn học, triết học, nghệ thuật và cả cách mạng. Cho tới nay, lịch sử huy hoàng của khu vực tả ngạn vẫn khiến nó giữ một địa vị cực kỳ quan trọng về văn hóa và nghệ thuật.
Hữu ngạn sông Seine là nơi tập trung những cửa hàng cao cấp, các ngân hàng, tập đoàn tài chính, các công ty bảo hiểm, các sàn giao dịch chứng khoán,… Nếu như bờ trái là trung tâm của văn hóa và nghệ thuật thì bờ phải con sông chính là trung tâm thương mại không chỉ của người Paris, không chỉ của người Pháp mà còn là của cả châu Âu. Đây là thiên đường mua sắm của các ngôi sao nổi tiếng thế giới. Vẻ phồn hoa, đô hội và ưu nhã của khu hữu ngạn sông Seine có thể nói là khó có nơi nào trên thế giới bì kịp.
Với Paris, sự phân chia tả ngạn hữu ngạn không đơn thuần là sự phân chia về mặt địa lý, nó còn mang ý nghĩa tượng trưng. Tả ngạn và hữu ngạn, hai khu vực mang hai đặc điểm hoàn toàn khác nhau, một giàu truyền thống, cổ kính tới mức kinh điển, một lại xa hoa, hiện đại khó có nơi nào bị kịp, một âm, một dương, cả hai đều vị sự tồn tại của khu vực còn lại mà tự nỗ lực phát triển. Thiếu một trong hai, Paris sẽ không còn là một Paris theo đúng nghĩa nữa.
Trong quan niệm phong thủy của người Trung Quốc xưa có nói đến một quy luật, đó là “hữu giang vi cát”, nghĩa là nằm ở bờ phải của con sông thì là điều lành. Trên thực tế, cây cỏ ở bờ phải con sông thường phát triển rất tươi tốt, đó là nơi thích hợp để chăn nuôi. Còn bờ trái con sông thường cây cỏ không phát triển tốt như bờ phải, thành ra những gia súc sinh trưởng ở khu vực này thường gầy gò, ốm yếu.
Nghĩa là, cùng trên một con sông, nhưng bờ phải là nơi thích hợp hơn cho sự định cư sinh sống của con người. Điều này cũng có nghĩa là so với bờ trái thì bờ phải sẽ mang lại cho con người sự giàu có, cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Nhưng cuộc sống cũng không đơn thuần chỉ có vật chất mà còn có tinh thần. Chính vì vậy, nếu như bờ phải mang lại cho con người cuộc sống vật chất giàu có thì bờ trái mang lại cho con người sự giàu có về tinh thần. Đó có lẽ là lý do mà khu vực bờ trái sông Seine lại là nơi văn hóa rất phát triển.
3. Nếu đi bộ trong thành phố Paris, sẽ có một cảm giác rất rõ ràng, rằng tất cả những con phố đều thông với đường lớn, tuy nhiên, đường thẳng lại rất ít. Kỳ thực, đây chính là điểm độc đáo và lãng mạn của Paris. Cho đến nay, Paris vẫn phát triển theo kết cấu hình bầu dục hình thành từ thời ban đầu. Biên giới của Paris không ngừng mở rộng, khiến chu vi của hình bầu dục này không ngừng lớn dần. Ban đầu chỉ phát triển về hướng đông nhưng sau đó tiếp tục phát triển về hướng tây.
Toàn bộ Paris chia làm 20 khu với khu trung tâm là Châtelet. Nếu như nhìn từ trên xuống thì Paris trông giống như một con cá lớn. Bố cục của từng khu phố, từng con đường của Paris giống như những hoa văn trên mình con cá khổng lồ ấy. Mặc dù Paris cũng là do các nhà thiết kế quy hoạch nên, tuy nhiên, rõ ràng là các nhà thiết kế về sau không cố ý làm như vậy. Những con đường của Paris rất cổ kính, gần như giữ nguyên vẹn từ thời ban đầu thành phố được xây dựng.
Dòng sông Seine uốn lượn trong trung tâm thành phố, công thêm một bố cục rất tự nhiên và nguyên sơ đã trở thành ưu điểm trong thế cục phong thủy của Paris. Tuy nhiên, nếu như các con đường giao nhau theo các góc nhọn, trong phong thủy là điều kiêng kỵ thì ở Paris lại xuất hiện vô số. Ở đây các ngã tư không nhiều, nhưng ngã năm thì vô số và nhiều nhất là những ngã tám, ngã chín. Trong phong thủy người ta gọi đây là “lộ xung sát”, biểu hiện cho điềm dữ. Vậy vì sao Paris lại có bố cục như vậy? Trên thực tế, bố cục này chỉ có thể hình thành ở Paris mới đem lại năng lượng và sức sống, bởi vì chỉ có Paris mới có dòng sông Seine uốn lượn nhiều lần trong trung tâm của thành phố. Đó cũng chính là lý do vì sao, cho đến tận ngày nay, Paris vẫn và sẽ là kinh đô ánh sáng của châu Âu và thế giới.
Hải Phong
(Theo báo chí Trung Quốc)