Cải tạo nhà lô phố cũ trở nên hiện đại và tiện dụng Ngôi nhà phố cũ kỹ được xây dựng từ năm 1986 với kiến trúc theo phong cách cổ đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại của gia chủ. Vì vậy KTS được yêu cầu cải tạo và nâng cấp sao cho ngôi nhà trở nên tiện dụng, hiện đại.
Hiện trạng nhà trước khi cải tạo.
Hiện trạng :
Là ngôi nhà 2,5 tầng xây dựng từ những năm 1986 theo kiến trúc nhà lô phố, trang trí gờ phào chỉ kiểu pháp. Ngôi nhà có mặt tiền 3,25m sâu 9,5m được xây dựng chung tường và cột với nhà bên cạnh (cũ là một nhà nhưng chia tách ra). Do mặt bằng công năng nhà hiện tại đang chia cầu thang ở giữa nhà, tầng 1 có một vệ sinh chung cho cả nhà, tầng 2 chia làm 2 phòng trước và sau nhà với diện tích nhỏ, tầng tum là phòng thờ và sân phơi do đó công năng không còn phù hợp với nhu cầu thiết yếu của chủ nhà.
Chủ đầu tư : Đặng Minh Quang
Địa chỉ : 219 - Thụy Khuê – Hà Nội
Hướng cải tạo:
Dựa trên mong muốn có một không gian sinh hoạt rộng rãi, ấm cúng và đẹp hiện đại. Kiến trúc sư và chủ nhà thống nhất phá bỏ cầu thang cũ, đưa cầu thang về cuối nhà nhằm tạo không gian tầng 1 rộng tối đa làm kinh doanh đồng thời xây thang mới rộng rãi hơn, chiều cao bậc theo tiêu chuẩn thiết kế. Cầu thang kết hợp với giếng trời lấy sáng và thông gió tạo đường sinh khí, thông thoáng cho toàn nhà.
Tầng 2 bố trí phòng khách phía trước nhà rộng 16m2 liền kề và ngăn cách với phòng ăn bởi hệ giá gỗ kết hợp bể cá cảnh, cửa đi gỗ kính mảng lớn.
Tầng 3 và 4 bố tri một phòng ngủ lớn rộng 20m2 và khu vệ sinh 4,5 m2 với các thiết bị hiện đại.
Tầng 5 bố trí phòng thờ, khu giặt đồ và sân phơi.
Phối cảnh phòng khách.
Phối cảnh phòng ngủ.
Phối cảnh tổng thể
Quá trình cải tạo:
Dựa trên hiện trạng và ý đồ thiết kế cải tạo, kiến trúc sư kết hợp cùng kỹ sư kết cấu khảo sát hệ móng, dầm, cột của công trình trên cơ sở đó đưa ra các phương pháp cải tạo phù hợp và đẩm bảo an toàn cho công trình trong quá trình thi công cũng như sử dụng lâu dài.
Khu cầu thang mới bố trí về cuối nhà do đó phần móng nhà được gia cố và đổ mới dầm chân thang tạo điểm tựa đỡ toàn bộ cầu thang mới. Sàn tầng 2 tại vị trí ô thang cũ, các lớp bê tông phủ cốt thép mặt trên dầm được đục bằng tay nhằm để lộ cốt thép mà không gây om bê tông hiện tại. Lớp thép mới đục lộ ra sẽ được hàn hoặc buộc với lớp thép cánh trên của ô sàn mới (và ô thang cũ). Lớp thép cánh dưới của ô sàn mới sẽ được khoan điểm 250mm khoan 1 lỗ nhẵm gài thép mới vào hệ dầm cũ. Sau khi cố định được các lớp thép mới vào hệ sàn cũ, trước khi đổ bê tông tại các vị trí đục, nối thép đổ nước xi măng tinh nhằm tạo sự kết dính cho bê tông cũ và mới.
Ô sàn cuối nhà được cắt một phần vừa đủ cho ô thang. Tại vị trí mép sàn còn lại được cấy thêm một thanh dầm đỡ ô thang. Sàn cũ được đục phá bỏ bê tông để lộ khoảng 300mm thép nhằm cấy vào dầm mới. Dầm mới tại vị trí 2 đầu dầm gác lên 2 dầm cũ dọc nhà, 2 thanh thép trên được gác lên phần thép đã phá bỏ bê tông bề mặt, 2 thanh thép dưới được nhét vào các lỗ khoan phía trên 2 thanh thép dưới của dầm cũ dọc nhà. Các mũi khoan này khi gài thép phải được nhét keo bê tông nhằm tăng khả năng bám dính với dầm bê tông cũ.
Do quá trình khảo sát hệ kết cấu móng cũ nhận thấy đảm bảo cho việc nâng thêm 2 tầng. Vì vậy trên tầng 3 (nóc tầng 2) các đỉnh cột cũ được phá bỏ phần bê tông che phủ nhằm tạo điểm nối tiếp cho các thanh thép cột mới lên thêm 2 tầng như trong phối cảnh.
Công trình hiện đã đưa vào sử dụng an toàn và hợp lý và được chủ nhà rất hài lòng về không gian kiến trúc, nội thất cũng như độ bền vững của công trình.