Nét kiến trúc truyền thống trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp Trong nhiều năm trở lại đây, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở tầm vóc quốc tế đã xuất hiện tại Việt Nam.
Những yếu tố truyền thống này có thể được thể hiện dưới bố cục tổng thể của khu nghỉ dưỡng, việc sử dụng các chi tiết – họa tiết trang trí truyền thống, sử dụng hệt kết cấu gỗ đơn giản mà hợp lý, hay việc áp dụng tỷ lệ công trình hài hoà với kích thước con người...
Có thể kể tên những khu nghỉ dưỡng tiêu biểu cho xu hướng này như: The Nam Hai Resort (Quảng Nam), Anna Mandara Nha Trang, Sun Spa Resort (Quảng Bình), Life Resort Quy Nhơn, Fusion Maia Resort (Đà Nẵng), Anna Mandara Ninh Bình... Trong số những khu nghỉ dưỡng đó, hai cái tên cuối cùng có cùng một điểm đặc biệt trong thiết kế là được lấy cảm hứng từ kiến trúc cung đình xưa.
Fusion Maia Resort – Khi hình vuông là sự khởi nguồn
Trên khu đất diện tích 3 ha, khu nghỉ dưỡng được tổ chức theo cảm hứng lấy từ bố cục tổng thể của kinh thành Huế. Tất cả các công trình quan trọng của khu nghỉ dưỡng: nhà hàng chính và khu vực tiếp đón, khu spa, thư viện, sân vườn chính, hồ bơi chính... được bố trí nằm trên một trục dọc hướng ra biển. Các công trình phụ và các villa được bố trí theo chu vi khu đất, tương tự như cách bố trí khu hoàng thành và khu vực nhà ở cho quan lại và dân chúng trong kinh thành Huế. Trong bố cục đó, hồ bơi chính có vị trí và vai trò tương tự hồ Thái Dịch; tổ hợp nhà hàng chính và khu vực lễ tân tương tự điện Thái Hoà; trong khi đó, tổ hợp công trình khu spa, thư viện, cửa hàng và sân vườn chính được bố cục tương tự khu vực Tử Cấm Thành.
Đúng như tên gọi Fusion (có nghĩa là sự pha trộn), nếu như tổng thể của khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ kinh thành Huế, thì bản thân thiết kế của từng công trình đã có sự điều chỉnh theo kiến trúc phương Tây, với những không gian có tỷ lệ hơi vượt quá tỷ lệ thường thấy trong kiến trúc truyền thống. Với sự điều chỉnh này, các không gian nội thất trong khu nghỉ dưỡng giảm đi nét trầm mặc của kiến trúc truyền thống nhưng vẫn giữ được sự hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Điều đó có lẽ được thực hiện với mục đích để cho các du khách đến từ phương Tây không cảm thấy bỡ ngỡ khi đến với khu nghỉ dưỡng này. Có một điều thú vị trong thiết kế là có thể xem như khu nghỉ dưỡng là một tập hợp của nhiều hình vuông với kích thước và tỷ lệ khác nhau. Từ những vật dụng, chi tiết rất nhỏ như hoa gió, đèn treo tường, bồn rửa mặt, bàn ghế... đến tổ hợp chung của một cụm villa, khu nhà ăn, khu spa và thư viện... hầu như tất cả đều là hình vuông. Điều này một mặt tạo ra một ấn tượng khó quên cho du khách, nhưng mặt khác lại tạo ra một chút cứng nhắc trong thiết kế mà những người yêu thích sự mềm mại và uyển chuyển có thể cảm thấy đôi chút phiền lòng.
Anna Mandara Ninh Bình – Làng quê với những tiện nghi cao cấp
Trên một khuôn viên rộng 16ha, khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Ninh Bình là một hình ảnh tổng hợp của cả kiến trúc cung đình và kiến trúc truyền thống nông thôn miền Bắc. Nằm trong vùng đất của cố đô Hoa Lư, kiến trúc cung đình của khu nghỉ dưỡng thể hiện trong thiết kế của tổ hợp sảnh đón, lễ tân, nhà hàng chính và khu hội thảo. Trong khi đó, 51 villa của khu nghỉ dưỡng lại được chia làm ba khu vực (được gọi là xóm), với bố cục tổng thể cho từng khu lấy cảm hứng từ hình ảnh làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Xen giữa các thành phần này là những ruộng ngô, ruộng cà... được tổ chức rất hoang sơ, càng làm nhấn mạnh hình ảnh làng quê trong mắt du khách.
Kiến trúc truyền thống có sự hiện diện đồng nhất và rõ nét trong khu nghỉ dưỡng với việc sử dụng hệ khung kết cấu bằng gỗ, mái lợp bằng ngói mũi hài và rơm cho các công trình, các chi tiết trang trí chạm khắc trên gỗ... Yếu tố truyền thống còn được thể hiện qua viêc tôn trọng tỷ lệ của kiến trúc truyền thống trong các công trình. Điều này tạo ra một cảm giác quay về nhà cho du khách, nhất là với những ai đã từng có thời gian sống ở đồng bằng Bắc bộ. Một điểm đặc biệt trong thiết kế là hình ảnh hoa gạo, một loại hoa đặc trưng của khu vực xuất hiện rất nhiều trong khu nghỉ dưỡng qua hình ảnh những chiếc móc chìa khoá, đèn trang trí...
Các villa của khu nghỉ dưỡng là một sự kết hợp khéo léo giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Phía ngoài của các villa gợi lại hình ảnh ngôi nhà ba gian của đồng bằng Bắc bộ với một chút điều chỉnh nhỏ về vị trí cửa chính cho phù hợp với thiết kế nội thất bên trong. Trong khi đó, bên trong của các villa này là những tiện nghi hiện đại và những ô cửa kính lớn mở ra khu sân vườn phía sau nhà, cũng được tổ chức rất làng quê với giàn mướp bằng tre và cây cỏ trồng ngẫu nhiên. Khu vực phòng tắm của các villa có lẽ là không gian mang tính hiện đại nhất của khu nghỉ dưỡng với những vách kính và cách bài trí theo kiểu phương Tây.
Điều tiếc nuối khi đến khu nghỉ dưỡng này có lẽ là khu vực hồ bơi (trong nhà và ngoài nhà) với thiết kế khá lạc lõng trong tổng thể chung của khu nghỉ dưỡng. Hình vuông đặc trưng trong thiết kế của khu nghỉ dưỡng.