Dùng gương chủ yếu để tán Khí, tức là dựa vào tính phản quang của gương để phân tán ánh sáng. Nhưng gương phân tán được khí xấu thì cũng có thể tiêu tán đi những khí tốt, mà sự tốt – xấu trong nội thất (cũng như đặc tính của con người) vốn khó phân định rạch ròi.
Nói cách khác, dùng gương trong nhà tương tự như dùng dao hai lưỡi. Chủ yếu có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về việc dùng gương. Nhóm thứ nhất cho rằng gương có khả năng phản lại các tác động xấu (xung sát) nên treo tại nơi giao tiếp nhiều hoặc treo gương bát quái trước cửa giúp chế ngự tác nhân xấu bên ngoài xâm nhập.
Ý kiến khác lại khuyên nên dùng gương để nhằm thu hút các hình ảnh bên ngoài vào, tạo cảm giác tích tụ, làm tăng hình ảnh vật dụng, ví dụ như ở đằng sau quầy tính tiền của cửa hàng để… tiền bạc thu nhập được tăng lên.
Những giải thích như vậy chỉ mang tính trấn an về tâm lý, vì ngoài tính phản quang của gương để tạo góc nhìn rộng hơn, ánh sáng được bổ sung thêm, thực chất hình ảnh xuất hiện trong gương chỉ là ảnh ảo mà thôi. Nếu một tấm gương treo trong nội thất mà làm lệch lạc về thẩm mỹ, làm chói mắt khó chịu, ảnh hưởng đến giao tiếp thì chắc chắn nên xem xét lại.
Gương bố trí dọc hành lang, ở tầm quan sát vừa đủ giúp mở rộng không gian mà ít ảnh hưởng ảo giác đến nội thất
Gương giúp cân bằng âm dương
Ánh sáng là dương, gương muốn dẫn truyền ánh sáng tốt thì phải đặt tại nơi có dương quang (ánh sáng tự nhiên) mới có thể đưa rọi ánh sáng sang được những chỗ khuất tối (âm) được.
Trước khi đặt để gương trong nhà, nên biết không gian vùng nào thuộc dương, chỗ nào là âm, khu vực giao tiếp, góc quan sát… để đặt gương tại các vị trí thuận lợi về tầm nhìn và ánh sáng.
Nếu phòng có cây cột ngay giữa, hoặc nhiều góc cạnh, ánh sáng âm u thì phải quan tâm đến bố trí đồ nội thất ra sao, mở cửa lấy sáng thế nào, bổ sung đèn chiếu sáng và tính toán màu sắc các bề mặt, sau đó mới nghĩ đến một tấm gương treo đúng chỗ nhằm hoàn thiện, bổ sung thêm độ sáng và nhân rộng không gian. Chứ bản thân tấm gương không hề là một biện pháp phong thuỷ theo kiểu “đũa thần” trị bách bệnh, mà có lẽ chỉ nên gọi là… thuốc an thần thì đúng hơn!
Hiệu quả sử dụng và tâm lý
Khi gương phản chiếu đưa hình ảnh tươi đẹp bên ngoài vào, nó làm tăng hiệu quả cảm nhận thị giác, làm rộng không gian nhờ tầm nhìn được “vay mượn”. Nhưng khi bên ngoài là những cảnh xấu, chính tấm gương sẽ gây tác dụng ngược lại.
Vì thế, cần kiểm tra xem tấm gương phản chiếu điều gì và vị trí cũng như kích thước của gương nên tính toán phù hợp. Tránh dùng những tấm gương cũ, bị hoen ố, méo hình và sứt mẻ. Tốt nhất gương nên có khung viền đẹp, hoàn thiện, đặt ở vị trí trang trọng và có những trang trí hỗ trợ sao cho nhìn vào biết ngay đó là… tấm gương, chứ không gây nên tạo ảo giác như thật thì lại rất dễ làm giật mình.
Gương dùng trong phòng trẻ em hay người già sẽ có hại nhiều hơn là có lợi, vì sẽ tạo nên ảo giác gây tâm lý mất ổn định, và sự nghịch ngợm của trẻ có thể làm vỡ gương, mảnh sắc gây nguy hiểm. Gương còn phản xạ ánh sáng nhất là khi đặt gương tại giường ngủ dễ làm nhiễu loạn trường khí (chói mắt và gây giật mình nếu như khi mới ngủ dậy đang lơ mơ mà thấy bóng mình trong gương!).
Do vậy, chỉ nên dùng gương tại các vị trí cần phải tạo sự giãn rộng không gian như hốc tường, mặt trong của tủ ly tách, lối vào tiền sảnh hoặc chỗ rẽ hành lang, chiếu nghỉ cầu thang khi lên xuống cần tránh luồng người đối diện, những góc rẽ hành lang mà ta không thể nhìn thấy phía bên kia.
Cần tránh để gương đối diện giường ngủ mà nên đặt song song và phản chiếu cửa ra vào, hoặc nếu có soi vào giường thì chỉ nên soi thấy phần cuối giường, tránh soi vào đầu giường ngủ vì các lý do nêu trên.
(Theo VTC)