Khéo co thì ấm, quả vậy, dù trên những diện tích khiêm tốn nhưng khéo bài trí, sắp xếp và thiết kế thì vẫn tạo được căn nhà đáp ứng các yêu cầu sử dụng. Trong đó, sự phân chia và bố trí hợp lí tận dụng những không gian thừa đóng vai trò chủ chốt. Có thể sắp xếp sân vườn mini, tạo ánh sáng tự nhiên từ mái, cửa sổ, tận dụng không gian làm thoáng khí căn nhà.
Cây xanh trong nhà
Tạo những mảng xanh
Sát vị trí các cửa sổ có thể trồng một số loại cây kiểng để tạo những "bức màn" xanh cho căn nhà như một khoảng vườn mini. Ngoài ra có thể sử dụng các bậu cửa xây bồn trồng kiểng. Hoặc cặp theo ban công thiết kế các dãy bồn, những khoảng không gian tạo mảng xanh sẽ làm cho ngôi nhà dịu mát và tươi sắc.
Thị trường cây kiểng rất đa dạng, nhiều chủng loại, do đó chọn được thứ phù hợp với "vóc dáng", sắc màu tại các nơi đặt bồn trồng. Chẳng hạn cây có dạng cao/thấp/vừa; dạng thân buông rủ; chủng loại cây mọc sum suê hay đơn chiếc,... Màu lá hoa cũng lắm sắc, lá thật xanh hay chỉ nhạt, lá cứng hay mêm, to hay nhỏ; hoa nở định kỳ hay quanh năm...
Ngoài yếu tố thẩm mỹ, những viền xanh đó còn làm "lá phổi" lọc không khí cho ngôi nhà. Thị trường bán đủ các loại phân bón, đất trồng và thuốc chữa bệnh cho cây kiểng nên việc chăm sóc cây không còn khó khăn. Nên trồng các loại cây vùng nhiệt đới, chịu được nắng nóng hay mua thất thường; ít phải tưới tiêu.
Đón nguồn ánh sáng tự nhiên
Nhà chật hẹp, trong hẻm hay bị che chắn bởi các nhà cao tầng bị thiếu sáng trời. Có nhiều phương cách thiết kế để đón lấy nguồn sáng tự nhiên, dù trong tình huống "khó xử" nhất. Có thể lấy sáng từ mái xuống, dùng tôn nhựa loại có màu sáng (trắng, xanh); hoặc kính dày 5 ly (thường lắp đặt trong mái ngói). Phía dưới trần nhà, khoảng đưa ánh sáng từ mái thì dùng kính lắp trần để nguồn sáng hắt xuống. Do lấy sáng gián tiếp, qua nhiều tầng nên có thể tạo một diện rộng từ trên mái bằng tôn nhựa để ánh sáng lọt vào nhiều hơn.
Tạo cửa kính trên vách hông nhà để lấy ánh sáng
Ngoài ra còn nhiều phía quanh tường, nơi thuận tiện, giao tiếp thoáng được với không gian bên ngoài thì sử dụng gạch kính, ô kính, cửa kính để đón ánh sáng trời. Luồng sáng này không những làm chức năng như đèn mà còn tạo được hướng chiếu sáng thẩm mỹ, soi rọi những vật dụng, không gian trong nhà. Nhiều khi tùy thích, có thể làm từng căn phòng ngập tràn ánh sáng; và điều tiết nó bằng màn cửa. Hoặc chính vườn kiểng nhỏ, cây xanh viền theo các bậu cửa là bức phông "tự nhiên" làm tươi mát lại sức nóng, sáng của mặt trời.
Ở điều kiện có thể, thiết kế một cái giếng trời (không cần phải lớn lắm) có mái di động cũng làm giải pháp khá tiện ích trong việc thu sáng và giao hòa với môi trường bên ngoài. Cấu trúc này, xuyên suốt theo thành giếng, tận dụng thiết kế khung; cửa kính; hành lang hay cầu thang để đón ánh sáng.
Làm thoáng khí
Nếu có thể nên mở nhiều cửa sổ. ở những vị trí "khó khăn" thì làm cửa lùa hay cửa bật hé. Các ô thông gió và lam kết cấu trúc từng dãy hay từng mảng trên tường cũng là biện pháp để tạo thoáng khí. Nhưng lưu ý dùng loại lam hoặc ô thông gió và đặt thật chúc xuôi, tránh bị mưa tạt, có thể tự đúc để làm được kiểu bản to và lắp theo ý; hàng bán sẵn trên thị trường thường bị hắt mưa.
Nhất là với mái tôn, cần gắn đặt nhiều ô thông gió ở khoảng giữa mái và trần để thoát hơi hầm nóng hắt từ mái xuống. Và khoảng không gian từ trần lên mái nên xây cao; làm cho sự trao đổi không khí sẽ thuận tiện và lưu thông tốt hơn.
Nhà hẹp thường nóng, do vậy có thể gắn những quả cầu thông nhiệt tăng cường trên mái. Lưu ý, quả cầu luôn đặt thẳng góc với mặt đất, dù mái nghiêng. Việc này thường do nơi bán nhận lắp ráp và lắp đúng vị trí thẳng đứng để quả cầu xoay nhẹ nhàng. Ðể bổ sung lực hút mùi trong nhà ra, tạo thông thoáng khí có thể dùng thêm những quạt hút, thổi. Quạt thường đặt ở nhà bếp, nhà vệ sinh hoặc tại các phòng nằm trong tư thế "bí" không thể gắn, mở được cửa các loại.
Tận dụng không gian
Cầu thang lên lầu là một dạng cấu trúc rất tinh tế, dễ đập vào tầm nhìn và cũng là vật dụng tạo nét duyên dáng cho căn nhà. Tuy nhiên trong không gian nhỏ hẹp, ngoài yếu tố thẩm mỹ cần đưa nó vào những vị trí hợp lý, thuận tiện và tận dụng được những không gian "thừa" dưới gầm cầu thang. Ví dụ, có thể sử dụng trần nhà vệ sinh làm mâm nghỉ cho cầu thang để tiến lên lầu hay gác gỗ. Tùy việc xoay hướng của nhà vệ sinh hay cầu thang mà ta có thể định vị hợp lý cho thiết kế.
Nếu thể hiện cầu thang xương cá hoặc uốn xoắn ốc thì khoảng thừa dưới gầm chỉ được nhỏ, tận dụng không được nhiều khoảng trống. Nhưng làm cầu thang hộp, vuông; tạo bằng những đường thẳng và gấp khúc thì ngược lại. Bên dưới gầm có thể tạo được những cái tủ, nhiều ngăn kéo hay kệ; hướng mở cánh có thể kết cấu tiểun tủ trượt có bánh xe sắp liên kế như những cuốn sáng dựng dứng trên kệ. Hoặc làm tủ đóng "chết" với những cánh cửa bật hay tạo các ngăn kép. Các thiết kế này sẽ tận dùng toàn thể không gian dưới gầm cầu thàng; tạo thành một khối khá hay, đẹp.
Cùng với ý tưởng "tận dụng" những góc chết bị chắn dụng bởi cột, thế vách xây,... đều có thể thiết kế các kệ đựng đồ; vừa tạo dáng cho căn phòng vừa chứa được rất nhiều vật dụng. Tronh không gian hẹp, thường hạn chế xây vách ngăn, mà dùng kệ hay tủ chắn để chia ngăn khu vực sinh hoạt. Dáng bài trí này, khi cần có thể dịch chuyển, không bị động bởi bức tường cố định.
Nhiều địa hình nhà, khi để xe vào tầng trệt, phía sau là nhà vệ sinh, cầu thang, chừng ấy đã choáng hết chỗ. Ðiều kiện đó, có thể thiết kế một tầng lửng làm phòng khách, vừa có cảm giác "gần" với căn nhà vừa tách biệt được những phòng sinh hoạt bên trên nữa.
Thường để cho không gian phòng "ấn tượng" rộng ra thì chỉ sử dụng các vật dụng như tủ, kệ,... có dạng thấp. Nếu có thể, thực hiện tủ, kệ âm tường hoặc treo tường; tận dụng những không gian sát vách phía bên trên.