Về mặt phong thủy, sự xuất hiện khoảng trống thông tầng đi cùng gác lửng phân định nên những vùng cao - vùng thấp, tuy rạch ròi mà lại không bị chia cắt, tạo sự giao hòa không gian tốt hơn. Từ trên gác lửng gia chủ có thể quan sát, kiểm soát các luồng di chuyển trong - ngoài. Từ bên dưới nhìn lên khách hoặc chủ cũng thêm cảm nhận về độ trang trọng và phong phú của không gian, thay vì chỉ gò bó một mặt sàn với 2 bức tường kẹp 2 bên hun hút theo kiểu “ở ống thì dài” khá đơn điệu (nhà phố). Việc quản lý kinh doanh hay giao tiếp trong nhà có tầng lửng phía trước sẽ phân khu chính phụ tốt hơn so với nhà không có gác lửng.
Để có thêm chỗ để xe trong nhà phố thì cách làm tầng trệt thấp hoặc kiểu bán hầm cũng tạo ra một khoảng gác lửng - sảnh trước bước vào nhà hợp lý. Vì các luồng di chuyển, xe cộ khi đó không trực tiếp đi xuyên qua nhà mà tách bạch ra trước gác lửng, cầu thang chính có thể nằm ở giữa hoặc phía sau, còn cầu thang phụ đi lên lửng kết thúc tại phòng khách hoặc sảnh tầng phía trước, nhờ thế giảm bớt các va chạm trong quá trình sử dụng, nhất là khi nhà làm văn phòng, khách sạn hoặc cho thuê buôn bán.