Tuy nhiên, để có một cầu thang ngoài trời thì yêu cầu nhà bạn phải có sân trước, khoảng sân không cần rộng nhưng đủ để tạo sự thuận lợi cho việc thiết kế (từ 3 -5m). Được bố ở mé trái hoặc phải của ngôi nhà tùy theo từng dạng kiến trúc.
Thiết kế thêm cầu thang ngoài trời cũng là cách bạn tránh đi những yếu điểm của ngôi nhà, gara và nhà kho là hai khu vực thường ít đươc chăm chút nên khách đến chơi nhà sẽ không phải trực tiếp đi qua không gian ấy.
Thiết kế thế nào cho phù hợp?
Là một phần trong kiến trúc nên cầu thang ngoài trời cũng ảnh hưởng tới công năng, tính thẩm mỹ của ngôi nhà, đặc biệt là phần ngoại thất. Bởi vậy, kiểu dáng của thang rất quan trọng cần phù hợp với mặt tiền ngôi nhà. Đối với đa số ngôi nhà, các KTS thường thiết kế thang dạng chữ L bởi chúng có những ưu điểm nổi bật như tạo được chiếu nghỉ rộng ở đoạn gấp khúc giúp thang không bị thẳng, dốc và người lên xuống không bị mỏi chân. Về phong thủy, thiết kế thang như vậy sẽ tránh được cho việc cửa ra vào thẳng với cầu thang khiến vượng khí trong nhà sẽ trôi đi.
Cầu thang ở những mặt tiền diện tích hẹp thường thiết theo kiểu xoắn ốc bởi dạng thang này tiết kiệm không gian một cách tối đa, tuy nhiên cần đảm bảo đường kính thang không quá nhỏ (từ 1,5 – 2m) để tránh sự khó chịu cho người sử dụng. Mặt thang nhỏ quá cũng khiến người lên xuống ngược chiều gặp khó khăn, với nhà có người già và trẻ nhỏ nên hạn chế dạng thang này vì dễ gây chóng mặt, vấp ngã và có thể thay thế bằng dạng cầu thang xương cá nhỏ.
Không gian ngoại thất lớn có thể thiết kế thang thoải mái, bề ngang rộng và các bậc lên xuống không quá cao gây bất tiện khi đi lại.
Thay vì trang trí những vật dụng mang tính chất mềm mại như bình hoa, gốm, sứ, tượng…thì cầu thang ngoài trời thường được bố trí tiểu cảnh, đặc biệt là ở khu vực chiếu nghỉ đem lại cảm giác thoải mái và xanh mát cho ngôi nhà.