Từ câu chuyện về một doanh nghiệp có tiếng
Đó là Công ty gỗ mỹ nghệ Hiền Oanh - 1 trong 2 doanh nghiệp lớn nhất làng La Xuyên. Đã xế chiều, vậy mà xe chở hàng vẫn tấp nập vào ra. Xe đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi xuôi cả miền Trung, thậm chí là vào miền Nam, nghĩa là gần như khắp các tỉnh thành trong cả nước đều có mặt đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên nói chung, sản phẩm của Công ty Hiền Oanh nói riêng.
Vào thăm nhà và cũng là nơi sản xuất của vị giám đốc trẻ mới 38 tuổi đời nhưng đã có đến 20 năm tuổi nghề Dương Văn Hiền, chúng tôi thấy hàng loạt sản phẩm đang chờ người đến chở. Góc này là sập gụ và tủ đứng phun sơn còn thơm mùi véc ni đang được mấy người thợ chăm chút những công đoạn cuối cùng, góc kia là một lô ghế theo kiểu nhà Minh - Trung Quốc, rồi ghế Phượng, ghế Trúc,... được làm chủ yếu bằng gỗ gụ. Cái nào cũng chạm khắc rồng lượn uốn khúc, phượng bay nhảy. Tinh ý một chút, bạn có thể nhận thấy đồ gỗ ở đây không có độ óng ả, bóng bẩy như gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - Bắc Ninh. Nhưng đổi lại, nét chạm trổ và độ khéo trong xử lý những góc lượn kỹ thuật lại có phần nhỉnh hơn, công phu và hài hoà hơn. Đây cũng là nét riêng mà ông tổ các làng nghề đã truyền lại cho hậu thế để làm nên vẻ tinh tế đặc thù cho từng sản phẩm của mỗi vùng miền.
|
Sản phẩm của làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên
|
Công ty gỗ mỹ nghệ Hiền Oanh đã có 3 đời làm nghề này. Ông Dương Văn Lư - ông nội anh Hiền - đã được tặng giải thưởng Bàn Tay Vàng năm 1999, bố anh cũng là thợ cả trong làng nghề đã từng dạy dỗ, đào tạo nhiều lớp trò cho làng và các địa phương khác. Bản thân anh Hiền, theo ông học nghề từ năm 9 tuổi, đã được công nhận là "Bàn Tay Vàng" khi mới 18 tuổi. Có thể nói, gia đình anh là một điển hình cho truyền thống yêu nghề của cả làng. Trong cơ chế thị trường, truyền thống ấy được phát huy kết hợp cùng khả năng kinh doanh năng động đã tạo ra những sản phẩm đẹp về hình thức, bền về chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng, được tặng Huy chương Vàng và Cúp Sen Bạc tại nhiều Hội chợ xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong cả nước. Kết quả này đã khiến khách hàng là các công ty, khách sạn, các bưu điện, các cơ quan nhà nước, các hộ gia đình tư nhân với những đơn đặt hàng lớn, có khi trị giá cả trăm triệu, tìm đến La Xuyên, đến những doanh nghiệp như Hiền Oanh ngày càng nhiều.
Là hàng thủ công mỹ nghệ, nên quy trình sản xuất sản phẩm ở đây phải trải qua nhiều công đoạn, từ tạo hình ban đầu đến chau chuốt hoàn thiện sản phẩm mà khâu nào cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, khéo léo và tính kiên nhẫn của người thợ. Mỗi công đoạn đều có thợ chuyên trách. Người làm phôi phải tính toán sao cho kích cỡ sản phẩm đạt chuẩn theo mẫu, rồi đưa vào máy bào. Kế đó, luộc sấy gỗ để đảm bảo độ bền chắc, ít co giãn mỗi khi thời tiết thay đổi. Xong phần mộc sẽ đến phần chạm, rồi trở lại thợ mộc để lắp ráp trước khi tiến hành khảm. Cuối cùng là đánh giấy ráp và vecni. Nếu trước đây sản phẩm chủ yếu được làm thủ công nên thời gian hoàn thành lâu, thì nay nhờ có máy móc, thiết bị phụ trợ nên tốc độ thi công nhanh gấp 3 - 4 lần, vừa đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường mà vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm.
Nói về đầu ra của sản phẩm, anh Hiền cho biết: "Khi Liên Xô chưa tan rã, hàng của làng và của công ty được xuất nhiều sang 6 nước Đông Âu. Khi thị trường đó không còn, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng phải chuyển sang phục vụ thị trường Đài Loan và một số nước láng giềng như Lào, Thái Lan, với số lượng hạn chế. Vài năm trở lại đây, đời sống nhân dân trong nước được nâng lên khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng mạnh, chỉ riêng phục vụ cho nội địa cũng đã không kịp rồi". Với doanh thu 8 - 10 tỷ đồng/năm, Công ty Hiền Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, tạo thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Sắp tới, công ty sẽ di dời địa điểm sản xuất - kinh doanh sang cụm công nghiệp mới của làng trên diện tích 8.000m2. Vị trí khang trang, nhà xưởng rộng rãi, sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ tạo ra cơ hội tốt cho công ty này tiếp tục phát triển với quy mô lớn hơn, vững mạnh hơn.