Để đảm bảo tiêu chuẩn thẩm âm khi thiết kế một hội trường hay thính phòng, cách âm thôi không đủ, căn phòng đó phải khuếch đại tốt âm thanh đến mọi nơi trong phòng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn thẩm âm khi thiết kế một hội trường hay thính phòng, cách âm thôi không đủ, căn phòng đó phải khuếch đại tốt âm thanh đến mọi nơi trong phòng. Tức là, phải tạo nên thi những phản âm định hướng, với mục đích nâng cao độ rõ cho các khu vực ngồi xa sân khấu đủ âm lượng và cân bằng âm sắc (xử lý trường âm); đồng thời xử lý tiêu âm hội trường để tránh tiếng dội nhại gây khó chịu cho thính giả.
Các bề mặt nội thất của thính phòng- hội trường, tùy theo vị trí của nó, có vai trò không giống nhau trong hút âm, phản xạ và tạo thành trường âm trong phòng hội trường.
Xử lý trần:
Trong các thính phòng, hội trường lớn, có trần cao, tiếng dội nhại và tiếng dội khó chịu có thể tạo thành khi âm phản xạ từ trần đến thính giả ngồi phía trước.
Bằng cách vát nghiêng trần, đổi hướng phản xạ, chúng ta có thể tránh được hiện tượng này. Xét về mặt lợi dụng năng lượng âm phản xạ thì dạng trần phẳng của phòng hình hộp chữ nhật chỉ sử dụng được một phần diện tích, nhỏ hơn nhiều so với dạng trần nếp gấp hạ thấp dần độ cao về phía cuối phòng. Sự tăng dần chiều sâu của song trần về phía tường sau nhằm tạo độ nghiêng lớn dần cho các âm tần số cao phản xạ tới các thính giả ngồi ở cuối phòng.
Nhiều hội trường sử dụng mặt trần có dạng cong lõm, điều đó có thể xảy ra hội tụ âm. Để khắc phục hiện tượng này có thể điều chỉnh hợp lý bán kính cong so với chiều cao của phòng hoặc sử dụng các cấu kiện chu kỳ dạng cong lồi như ban công, các ghế lô, phòng nhóm. Hơn thế còn tạo được một trường khuếch tán cao trong phòng, giúp âm thanh rõ và sống động hơn.
Xử lý tường hậu khán giả:
Âm thanh phản xạ dễ quay trở về thính giả ngồi phía trước thời gian trễ lớn, gây ra tiếng dội. Ta có thể khắc phục bằng các biện pháp:
- Dùng vật liệu hút âm mạnh (lớp ngoài là tấm hở như gỗ tiêu âm, len gỗ… kết hợp lớp trong là vật liệu hút âm như mút trứng, mút gai tiêu âm, tấm sợi khoáng…);
- Tạo phản xạ khuếch tán (lớp ngoài là tấm hở và lớp trong sử dụng cấu tạo khuếch tán);
- Hoặc tạo phản xạ âm có lợi (kết cấu vát nghiêng tạo phản xạ âm xuống sàn kết hợp thảm trải sàn hỗ trợ hút âm).
Đối với tường lan can ban công cũng xử lý tương tự đối với tường sau phòng thính giả.
Xử lý tường bao:
Đối với tường bên, ta bố trí vật liệu âm thanh được chia thành các dải nhỏ và bố trí phân tán đều trên các bề mặt của phòng thì trường âm trong phòng sẽ tắt dần một cách đều đặn, biểu hiện của một trường âm khuếch tán cao. Mức cường độ âm của phòng có tường phân chia chu kỳ, vật liệu hút âm bố trí phân tán đều giảm đều và nhanh hơn phòng có tường phẳng, vật liệu hút âm đặt ở tường sau.
Xử lý sàn:
Độ dốc sàn ngồi của phòng khán giả có ảnh hưởng rất lớn đến sự lan truyền âm trực tiếp từ nguồn âm đến các chỗ ngồi, nghĩa là có vai trò quyết định đến độ rõ trong phòng. Khi âm thanh lan truyền dọc theo một bề mặt hút âm, một phần năng lượng âm sẽ bị hút bởi bề mặt này. Tia âm càng đi gần bề mặt, sự hút âm xảy ra càng mạnh. Mặt sàn chứa đầy thính giả là một bề mặt hút âm như vậy, làm cho mức âm ở các chỗ ngồi phía sau bị giảm đi đáng kể. Mặt khác sự hút âm của các thính giả phía trước còn xảy ra không đều theo tần số, có thể gây ra sự biến đổi âm sắc khi âm lan truyền đến các chỗ ngồi phía sau.
Có hai giải pháp để giảm bớt ảnh hưởng của hiện tượng này:
- Nâng cao vị trí của nguồn âm.
- Nâng cao độ dốc sàn ngồi. Độ dốc sàn càng lớn, càng giảm bớt sự hút âm thính giả. Điều này giải thích vì sao trong các giảng đường có độ dốc sàn lớn và tại các hàng ghế đầu tiên của ban công phòng thính giả thường đạt được độ rõ rất cao.
Âm thanh và kiến trúc có mối quan hệ đặc biệt mật thiết với nhau. Để có được một hội trường, một thính phòng đảm bảo thẩm âm tốt, ngoài các kiến thức cơ bản về âm thanh học còn cần sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Bên cạnh đó, vật liệu tiêu âm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng
(Nội Thất Vàng)